Bóng đá thực chất cũng giống như Kinh doanh. Tổ chức các giải đấu cũng giống các ngành kinh doanh đang vận hàng. Các đội tuyển cũng chính là các doanh nghiệp. Sự thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup cũng mang lại cho chúng ta nhiều bài học cần suy ngẫm để vận hành chính doanh nghiệp của mình. Dù buồn, hơi thất vọng nhưng việc đứng dậy để tiếp tục bước là điều cần thiết. Năm 2021 cũng là 1 năm buồn với nhiều doanh nghiệp. Những điều không ngờ luôn xảy đến, nhưng nếu có được những bài học bạn sẽ hạn chế được nhiều rủi ro bất ngờ.
Nội dung bài viết
Nhìn lại hành trình của Việt nam từ vòng loại WorldCup đến AFF Cup
Trên đỉnh vinh quang
Siêu phẩm ” Cầu vồng tuyết ” ở Thường Châu trong trận chung kết U23 Châu Á.
Trên bảng xếp hạng của FiFa đầu tháng 12/ 2021, Việt Nam xếp hạng 99 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á. Đây chính là thời kỳ đỉnh cao của bóng đá Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo khi hơn Thái Lan 16 bậc. Nhưng điều kỳ diệu nhất chính là việc Việt Nam không còn sợ đội tuyển Thái Lan như trước đây. Khi hai bên đối đầu, Việt nam có thể đá sòng phẳng với Thái Lan. Thắng thua giờ chỉ là chuyện may rủi.
Một điều tuyệt vời nữa là Việt Nam là đội duy nhất ở Đông Nam Á được tham gia vào vòng loại thứ 3 World Cup. Trước đây chỉ có Thái Lan là từng làm được.
Điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam
– Là đội tổ chức lối chơi rất tốt. Việt Nam rất mạnh việc cầm bóng và di chuyển, có sự phối hợp nhuần nhuyễn và cởi mở.
– Các cầu thủ có nhãn quan tốt, tư duy chơi bóng thông minh.
– Có sự ăn ý và hiểu nhau khi các cầu thủ chơi bóng với nhau nhiều.
– Bản lĩnh và tinh thần thi đấu của Việt nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
– Ngoài ra việc thể lực các cầu thủ được cải thiện tốt cũng là một yếu tố quan trọng.
– Việt Nam có Quang Hải là cầu thủ đá phạt hay dứt điểm cực kỳ tốt. Đây chính là hạt nhân và là vũ khí nguy hiểm nhất của đội tuyển Việt nam.
– Cuối cùng, Việt Nam đã có kinh nghiệm va chạm với nhiều đối thủ mạnh ở kỳ World Cup vừa qua. Có nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá sẽ được thầy trò Park Hang Seo rút ra.
Hạn chế
– Dàn xếp tấn công và những đòn đánh của Việt Nam đang mất đi tính hiệu quả và đột biến.
– Khi Quang Hải bị kèm chặt hay đuối sức, đội tuyển Việt Nam không có nhân tố tạo đột biệt nào khác. Đội bóng đang bị quá phụ thuộc vào 1 người. Và ở trận đấu với Indo đã cho chúng ta thấy rõ điều này.
– Đội hình mỏng, không có nhiều sự thay thế cần thiết. Khoảng trống ở 2 biên do Trọng Hoàng và Văn Hậu để lại là quá lớn.
– Khả năng dứt điểm không được tốt của hầu hết các cầu thủ hàng công.
– Khả năng chơi bóng bổng hạn chế đã giảm khả năng tạo ra đột biến ở những tình huống cố định.
Sự thất bại không tránh khỏi và bài học ngầm hiểu
Chất lượng của đội tuyển Thái Lan
Đội tuyển Thái Lan đã xuất sắc giành cup vô địch AFF Cup năm 2021.
Đến với AFF Cup năm nay, đội tuyển Thái Lan có sự xáo trộn bên ghế Huấn Luyện Viên. Tuy nhiên với nền bóng đá số 1 Đông Nam cùng chất lượng cầu thủ cao, đội tuyển Thái vẫn giữ tính hiệu quả của mình.
Vượt qua tất cả các đối thủ với các tỉ số:
Thailand 2 – 0 Timor Leste; Thailand 4 – 0 Myanmar; Thailand 2 – 1 Philippines; Thailand 2 – 0 Singapo; Thailand 2 – 0 Việt Nam; Thailand 4 – 0 Indonesia ( Chung kết lượt đi ).
Không phải quá xuất sắc, nhưng hàng công đội tuyển Thailand thể hiện một sự hiệu quả đáng kinh ngạc. Điều mà Việt Nam còn đang rất thiếu. Với đội hình không phải mạnh nhất nhưng dễ dàng đè bẹp Indonesia những 4 bàn không gỡ. Điều này chứng minh tính hiệu quả của đội bóng này hơn hẳn Việt Nam.
Với sự đồng đều của cả 3 tuyến, có những cầu thủ thi đấu thành công ở J.League và Ngoại Hạng Anh đã làm cho đội hình tuyển Thailand đứng đầu giải đấu về mặt chuyên môn. Tuy nhiên mặt còn thiếu của đội tuyển Thailand chính là một Huấn Luyện Viên có thể phát huy được sức mạnh của các cầu thủ như HLV Park Hang Seo ở đội tuyển Việt Nam. Bài học đó đang được đội tuyển Thái Lan tìm cách giải quyết bằng những HLV tài năng.
Nền bóng đá đi trước Đông Nam Á
Kiatisak Senamuang, HLV trưởng HAGL đã từng phát ngôn gây sốc khi cho rằng: Phải 10 năm nữa, Việt Nam mới thắng được Thái Lan. 1 năm sau câu nói gây sốc ấy của Kiatisak, Việt Nam đã thắng được Thái Lan ở cấp độ ĐTQG. Chiến thắng 1-0 tại Kings Cup là khởi đầu cho mạch 3 trận liên tiếp bất bại mà Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo có được trước “Bầy voi chiến”. Trước khi nhận thất bại 0-2 ở AFF Cup 2021.
Tuy nhiên suy cho cùng, đó chỉ là những chiến thắng ở một phương diện hẹp. 90 phút chính thức của một trận đấu không thể là thước đo cho cả một quá trình phát triển của hai nền bóng đá. Nhìn một cách tổng thể, nền bóng đá Việt Nam vẫn còn đi sau Thái Lan nhiều năm về lộ trình phát triền chuyên nghiệp.
Lấy giải VĐQG – bản lề cho ĐTQG là một ví dụ. Năm 2007, Thái Lan đã quyết định mua bản quyền khuôn mẫu tổ chức tại giải Ngoại hạng Anh để áp dụng vào mô hình các giải chuyên nghiệp của Thai League. Từ đó, ngoài giải VĐQG và cúp Quốc gia truyền thống, người Thái có thêm giải liên đoàn để tăng cường số trận đấu cho các CLB.
Thêm vào đó, hệ thống kim tự tháp phát triển bóng đá của Thái Lan cũng được xây dựng một cách bài bản. Trong đó, đỉnh của kim tự tháp là Thai League 1 với 16 CLB tham gia. Thấp hơn ở Thai League 2, 18 CLB góp mặt. Xếp phía dưới là giải bán chuyên Thai League 3 tập hợp tới 72 CLB được chia làm 6 vùng miền gồm phía Bắc (11 đội), Đông Bắc (11 đội), phía Đông (12 đội), phía Tây (12 đội), nội đô Bangkok (14 đội) và phía Nam (12 đội).
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém: Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và đặc biệt là Chanathip Songkrasin đã tung hoành ở Nhật Bản nhiều năm. Nhưng bên phía Việt Nam: Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đều thất bại và vỡ mộng trước tham vọng ra nước ngoài chơi bóng. Vết sẹo ấy khiến cho chính những tài năng như Hoàng Đức, Quang Hải ngần ngại rời khỏi “cái ao làng” V.League hiện nay. Sự thiếu tiếp xúc với các nền bóng đá hiện đại đã tự ngăn cản đà phát triển của các cầu thủ Việt.
Giới hạn
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
Khi lứa Thế Hệ Vàng: Quang Hải, Công Phượng, Hoàng Đức … gần như đã chạm đỉnh ( Nếu Quang Hải và Hoàng Đức không ra nước ngoài thi đấu ). Các cầu thủ kế cận không có gì nổi bật thì chỉ dựa vào tinh thần là không đủ. Tinh thần có cao nhưng lực không tới thì tất cả sẽ chỉ là tiếc nuối.
Nhìn đội tuyển Việt Nam chật vật và bế tắc tìm đường vào khung thành của Indonesia mới thấy cuộc đời không chỉ toàn màu hồng. Khi gặp Thái Lan, Việt Nam kiểm soát thế trận cũng rất tốt nhưng sai lầm cá nhân, khả năng dứt điểm đã tự loại đội tuyển. Chúng ta có nhiều cơ hội, nhưng thiếu sự sắc sảo. Chúng ta kiểm soát bóng nhưng không xuyên phá được hàng phòng ngự đối phương. Chúng ta phối hợp nhuần nhuyễn nhưng thiếu đi sự sáng tạo. Bài toán đau đầu với HLV Park Hang Seo, cũng là bài học để bóng đá nước nhà tìm cách phát triển các tiền đạo giỏi.
Gặp đội bóng yếu như Campuchia, Lào thì nhiều cầu thủ hàng công có thể ghi bàn. Nhưng gặp đội bóng mạnh thì ngoại trừ Quang Hải ra thì hàng công gần như mất tích.
Bài viết liên quan: 10 bài học kinh doanh ý nghĩa từ bóng đá áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp.
Bài học các doanh nghiệp Việt cần quan tâm
Phụ thuộc
Doanh nghiệp không phải là đội bóng 1 người. Giống như đội tuyển Việt nam hiện tại rất phụ thuộc vào Quang Hải. Nhiều doanh nghiệp khi vận hành cũng bị phụ thuộc vào người sáng lập. Người sáng lập vừa làm Sale, đối ngoại, vừa quản lý, vừa kiểm soát tài chính,… dẫn đến không còn thời gian để xem xét và điều chỉnh kịp thời định hướng. Doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được.
Phát triển liên tục
Sự phát triển của các nền bóng đá là liên tục cũng như quá trình kinh doanh cũng vậy. Doanh nghiệp tạm nghỉ thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Khi vận hành doanh nghiệp cần lưu ý: Trong cạnh tranh, không phải doanh nghiệp chỉ giải quyết vấn đề với khách hàng mà còn có cả đối thủ cạnh tranh hiện thời, đối thủ tiềm năng, quyền lực của nhà cung ứng, Sự đe dọa của sản phẩm thay thế. Các yếu tố này ngày càng thay đổi với tốc độ nhanh hơn.
Kết quả cuối cùng
Kết quả cuối cùng mới là điều đáng quan tâm. Đội bóng quốc gia thất bại thì có thể nhận được sự đồng cảm của người hâm mộ. Nhưng Câu Lạc Bộ hay một doanh nghiệp thất bại thì sự đồng cảm không thể chi trả lương cho cầu thủ và duy trì doanh nghiệp được. Doanh nghiệp có thể lỗ 1- 3 năm đầu để đầu tư nhưng các năm sau kết quả vẫn vậy thì không có một lời bào chữa nào đủ sức thuyết phục.
Nền móng
Vừa ngắn hạn, vừa dài hạn là yêu cầu của cổ động viên cũng như các nhà đầu tư. Nếu đội tuyển Việt Nam không có lứa kế cận thì chỉ giống như đội tuyển 1 mùa. Còn doanh nghiệp không nâng cao chất lượng nhân sự và phát triển lứa kế cận thì cũng chỉ giống doanh nghiệp ngắn ngày – Điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng e ngại.
Quá trình
Việc vận hành, phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình. Doanh nghiệp cần phải liên tục phá vỡ giới hạn của bản thân và xây dựng được nền tảng đủ mạnh. Chỉ muốn thì không đủ. Cũng đừng nhìn vào kết quả của 1, 2 tháng để đánh giá 1 năm. Cũng đừng nhìn vào kết quả của 1 năm để đánh giá toàn doanh nghiệp. Ngựa chiến phải là ngựa đi đường dài.
Chu kỳ phát triển
Bất cứ đội bóng hay doanh nghiệp nào cũng đều có chu kỳ phát triển. Thái Lan vô địch AFF Cup ở các kỳ 1996, 2000, 2002, 2014, 2016. Singapo: 1998, 20004/2005, 2007, 2012. Việt Nam: 2008, 2018. Malaisia: 2010. Không phải đội bóng đã đứng đầu là sẽ đứng đầu mãi. Cũng không phải doanh nghiệp đầu ngành nào cũng đầu ngành mãi. Đối thủ sẽ luôn tồn tại, sóng sau xô sóng trước. Hiểu được điều này, các Founder cần tạo điều kiện để các lớp măng non phía sau cạnh tranh và phát triển trong chính nội bộ doanh nghiệp của mình. Nếu vận hành đúng cách, sức cạnh tranh trong nội bộ đủ lớn thì các doanh nghiệp sẽ luôn ở vị trí dẫn đầu.
Hy vọng ở tương lai
Thất bại ở AFF Cup 2021 cũng là một cơ hội để đội tuyển Việt Nam đánh giá lại mình và sự phát triển của nền bóng đá. Chúng ta rút ra những bài học gì ? Hiện tại Việt nam đang có thế hệ cầu thủ vàng: Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu,… Nhưng các lứa sau thì thế nào? Cách thức đào tạo và huấn luyện ở cá Câu Lạc Bộ cần cải tiến và đưa ra nhiều cầu thủ chất lượng hơn. Hy vọng các kỳ AFF Cup tới, chúng ta sẽ giải được những bài toán hóc búa này.
Doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021 vừa qua cũng ngấm rất nhiều đòn đau từ Covid. Vậy bài học năm tới cần làm gì để chúng ta vực dậy doanh nghiệp của mình ? Sự chuyển dịch của các doanh nghiệp từ Trung Quốc qua Việt Nam cũng là một cơ hội mới để nâng cao chất lượng nhân sự. Việt Nam hiện tại có một lợi thế rất lớn về Công nghệ thông tin để bứt phá. Cách chúng ta tận dụng đòn bẩy này ra sao cho hiệu quả ? Các doanh nghiệp cũng đã tích cực chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng phát triển. Và chúng ta hãy cùng hy vọng vào một năm 2022 nhiều đột phá và thành công !
Bài viết liên quan: Vận hành doanh nghiệp hiệu quả giúp bạn vượt qua khủng hoảng
— Tác giả: Thịnh Lương —
Pingback: Vận hành doanh nghiệp hiệu quả giúp bạn vượt qua khủng hoảng - Open End Garden
Pingback: 10 Bài học kinh doanh ý nghĩa từ bóng đá áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp - Open End Garden