Chiến lược đại dương xanh đang là hướng đi của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Là một lựa chọn tối ưu chi phí, có nhiều tiềm năng và cơ hội cho những doanh nghiệp mới muốn tiến vào thị trường với ít sự cạnh tranh. Không những là mảnh đất tuyệt vời dành cho những doanh nghiệp mới phát triển. Đây cũng là mảnh đất mà các doanh nghiệp đầu ngành luôn luôn tìm kiếm để thúc đẩy tăng trưởng khi thị trường chính của họ đang dần chuyển hóa thành Đại Dương Đỏ. Đại dương xanh – Một mảnh đất đầy màu mỡ nhưng cũng không ít mạo hiểm, thách thức.
Nội dung bài viết
Chiến lược đại dương xanh thực chất là gì ?
Thế nào là chiến lược đại dương xanh
Đại dương xanh được hiểu là những khoảng trống thị trường không có sự cạnh tranh, hoặc không đáng kể. Chiến lược đại dương xanh – Blue Ocean Strategy chính là chiến lược phát triển trên thị trường này. Để phát triển trên đại dương xanh, doanh nghiệp cần tạo ra hoặc đi theo một thị trường chưa có nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Đại dương xanh – Một thị trường chưa có sự cạnh tranh doanh nghiệp muốn hướng tới.
Thuật ngữ đại dương xanh nói về hình ảnh ẩn dụ thế giới sâu dưới đáy biển với nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Đại dương xanh trong kinh doanh chính là thị trường ngách. Là nơi doanh nghiệp lựa chọn để chiếm lĩnh một thị trường nhất định.
Bên cạnh việc lựa chọn thị trường chưa có sự cạnh tranh, chiến lược đại dương xanh còn là lựa chọn về giảm thiểu chi phí. Chính vì không có nhiều sự cạnh tranh, chiến lược đại dương xanh không cần phụ thuộc nhiều vào ranh giới thị trường hay cấu trúc ngành hàng.
Cũng không cần quá quan tâm đến những doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh. Chỉ cần tập trung làm hài lòng khách hàng mục tiêu tốt nhất có thể.
Phân biệt chiến lược đại dương xanh – chiến lược đại dương đỏ
Nếu như đại dương xanh là khoảng trống thị trường chưa được khai phá, đại dương đỏ chính là thị trường truyền thống đã được khai thác kỹ lưỡng. Đại dương đỏ tập trung rất nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt và rất khó xâm nhập.
Các doanh nghiệp muốn thoát khỏi đại dương đỏ và hướng tới đại dương xanh
Chiến lược đại dương đỏ
– Tập trung vào khách hàng hiện tại. Mất nhiều công sức và nguồn lực để đánh bại đối thủ cạnh tranh.
– Khai thác vào nhu cầu phổ biến hiện tại.
– Cân bằng giá trị và chi phí. Khó có thể tạo ra giá trị cao với mức chi phí thấp.
– Chính vì mức cạnh tranh cao, bắt buộc phải lựa chọn giữa cạnh tranh khác biệt hóa hoặc cạnh tranh về giá.
Chiến lược đại dương xanh
– Tập trung vào những đối tượng chưa phải là khách hàng, thu hút khách hàng mới.
– Tạo ra một thị trường không cạnh tranh để phục vụ. Từ đó chỉ quan tâm đến việc tạo ra và nắm giữ nhu cầu mới.
– Không còn sự cân bằng giá trị và chi phí. Có thể tạo ra giá trị cao đối với khách hàng với mức chi phí thấp.
– Theo đuổi một chiến lược khác biệt hóa đi kèm chi phí thấp.
Cơ hội kinh doanh mở rộng với chiến lược đại dương xanh
Cơ hội phát triển
Đối với đại dương xanh, nhu cầu được tạo ra thay vì cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Vì vậy có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển thế mạnh của mình.
Mục tiêu khi áp dụng chiến lược đại dương xanh không phải là vượt lên đối thủ hay dẫn đầu thị trường. Doanh nghiệp cần tóm tắt lại bức tranh thị trường để tìm ra khoảng trống cần được lấp đầy. Từ đó phân tích và nghiên cứu để đưa ra chiến lược cho riêng mình mà không phụ thuộc vào sự cạnh tranh.
Với đại dương xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tự do sáng tạo và phát triển. Có thể thử sức với những điều mới mẻ, tạo ra chất lượng sản phẩm tốt với mức chi phí phải chăng. Tất nhiên, “tiền nào của nấy” vẫn luôn đúng. Nhưng ở đây bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư vào việc đánh bại đối thủ. Vì vậy, có thể tập trung nguồn lực để tạo sự khác biệt, đặc biệt chỉ riêng bạn có.
Là doanh nghiệp hiếm hoi trong đại dương này, bạn có nhiều cơ hội để thử sức. Không còn quá lo lắng nếu như thất bại sẽ bị bỏ lại phía sau. Bạn có thể vừa thử sức, vừa tìm ra giải pháp hoàn thiện nhất.
Cuối cùng, vì là thị trường khách và hướng đến một tệp khách hàng nhất định. Bạn có thể kết nối với khách hàng dễ dàng như những người bạn. Việc này sẽ tạo sự liên kết thân thiết giữa khách hàng và doanh nghiệp. Từ đó biến khách hàng thành khách hàng trung thành gắn bó với doanh nghiệp.
Xu hướng khởi nghiệp hiện nay
Trong xã hội phát triển hiện nay, thị trường đang ngày một cạnh tranh gay gắt. Những ông lớn dẫn đầu thị trường ngày càng mở rộng quy mô. Vì vậy, đại dương đỏ là một lựa chọn khá rủi ro nếu như năng lực và nguồn lực của bạn không đủ mạnh. Phần lớn, chủ doanh nghiệp nhỏ hay khởi nghiệp đều đang lựa chọn đại dương xanh để phát triển.
Ví dụ thực tế ngành F&B
Khi nhu cầu giới trẻ ngày một đa dạng, nhiều người tìm đến quán cà phê không phải chỉ để uống cà phê.
Nguyễn Hải Ninh, CEO của thương hiệu chuỗi quán cà phê “The Coffee House” cho rằng:
“Khách hàng không đến quán cà phê để uống cà phê, mà bọ bỏ tiền ra để mua một không gian trò chuyện, chia sẻ, kết nối với nhau.”
Bài viết liên quan: The Coffee House thay tướng lần hai
Đúng là như vậy, theo lý thuyết về tháp nhu cầu của Maslow, hành vi của con người được chia thành 5 cấp độ khác nhau. Tầng đầu tiên là nhu cầu sinh lý về những đòi hỏi thể chất cho sự sống của con người. Có thể mục tiêu cơ bản thuở trước của mọi người khi đến quán cà phê là để mua cà phê.
Tuy nhiên, khi đã thỏa mãn về những tầng nhu cầu phía dưới, con người cần nhiều hơn như thế. Với một xã hội phát triển, việc uống cà phê có thể dễ dàng thực hiện ở bất cứ đâu. Vậy, đại dương xanh nào cho những chủ doanh nghiệp muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này?
Xu hướng mới của các quán Coffee
Tìm hiểu về thị trường, xu hướng giới trẻ ngày nay, có thể thấy rằng mọi người đến quán cà phê với rất nhiều mục đích khác nhau. Có người để uống, có người để gặp gỡ bạn bè, có người để hội họp… Và cũng có người ra cà phê để tìm không gian yên tĩnh làm việc, để tỉnh táo cho những ngày chạy deadline. Còn có cả những người ra cà phê để trú chân sau những lần ăn chơi đến 2, 3 giờ sáng chưa thể về nhà…
Chưa dừng lại đó, trong mỗi tệp khách hàng nêu trên lại có nhiều nhóm có nhu cầu khác nhau. Nếu đại dương đỏ có những thương hiệu lớn đã tìm cách phát triển và dung hòa những nhu cầu trên. Thì đại dương xanh cho bạn chính là hướng đến một nhóm khách hàng nhất định và khai thác thật sâu vào họ.
Có nhiều người rất thích đi cà phê một mình để tìm không gian làm việc. Từ đó nhiều quán cà phê nhỏ xinh yên tĩnh ra đời phục vụ nhu cầu này. Mỗi quán một phong cách, và những khách hàng thường xuyên lui tới cũng có style rất riêng. Đặc điểm của những quán cà phê này chính là 90% khách hàng đều ngồi với một cuốn sách, một chiếc máy tính cá nhân. Và hầu như ngày nào cũng sẽ là những gương mặt quen thuộc ấy.
Ở TP.HCM bắt đầu xuất hiện những quán cà phê thiết kế theo phong cách phòng tổ kén. Cho khách hàng không gian học tập và có thể nằm nghỉ ngơi tại chỗ thoải mái. Phục vụ cho những mùa deadline xuyên đêm của sinh viên thời nay.
Thách thức và lưu ý khi lựa chọn chiến lược đại dương xanh
Việc phát triển trên đại dương xanh vừa dễ lại vừa khó. Là một thị trường riêng không nhiều áp lực, thỏa sức sáng tạo nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bạn bắt buộc phải tự hoàn thiện và phát triển không ngừng nếu như không muốn đánh mất thị trường này.
Có nhiều thách thức doanh nghiệp cần vượt qua khi lựa chọn chiến lược Đại Dương Xanh
Cơ hội dễ bị lung lay
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn lực ít và sự chuyên nghiệp là vấn đề cần được lưu ý. Bạn cần hạn chế những sai lầm lớn, phát triển và cải tiến từng bước một. Đặc biệt, ngay cả với những sản phẩm tiềm năng, bạn cần phát triển một cách chậm, chắc. Trước khi có chỗ đứng vững chắc và cơ cấu đủ mạnh, không nên làm Marketing quá rầm rộ. Khi nhìn thấy một thương hiệu đi lên trong “vùng đất trống” sẽ xuất hiện nhiều đối thủ tiềm ẩn dòm ngó. Một miếng mồi ngon đương nhiên sẽ kéo theo nhiều thợ săn tăm tia đến. Trừ khi sản phẩm, dịch vụ của bạn rất khó có thể sao chép hoặc ngách quá nhỏ. Nếu không đại dương xanh của bạn dễ dàng trở thành đại dương đỏ sau khi được chú ý đến.
Ý tưởng đến sớm kéo theo nhiều rủi ro
Việc gia nhập một thị trường mới khi chưa nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ mang nhiều rủi ro. Có thể khách hàng chưa hiểu được tất cả những gì bạn cung cấp. Hoặc ý tưởng của bạn độc đáo nhưng chưa đủ để thuyết phục khách hàng thay đổi. “Đúng người – sai thời điểm” sẽ không mang lại hiệu quả tốt.
Người tiêu dùng chưa muốn chấp nhận sự thay đổi
Có thể ý tưởng của bạn rất hay, rất khác biệt, nhưng khách hàng chưa muốn thay đổi quá nhiều. Họ đã quen với những nhận thức, thói quen hàng ngày và khó chấp nhận sự đổi mới.
Thực hiện sai cách
Đây là một điều vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng phải chú ý. Dù cho ý tưởng và sản phẩm của bạn thực sự mới mẻ và có ích. Nhưng không xác định rõ vấn đề ngay từ đầu để đưa ra chiến lược đúng đắn vẫn sẽ thất bại.
Bài học đắt giá từ Soya Garden
Là thương vụ khởi nghiệp trên Shark Tank có tiềm năng rất lớn. Founder nhận được 100 tỷ đầu tư từ Shark Thủy nhưng đã đi đến kết cục phá sản sau 3 năm hoạt động. Với ý tưởng phổ biến sản phẩm làm từ đậu nành sạch chuẩn hữu cơ, thay đổi thói quen người tiêu dùng. Soya mong muốn từ “Đi cà phê đi”, “Đi trà sữa đi”, người tiêu dùng sẽ có thêm thói quen uống những món từ đậu nành ở không gian sang trọng như Soya.
Tuy nhiên, kết cục là đậu nành vẫn không thể thay thế được trà sữa. Mặc dù vẫn có những món rất ngon trong menu của Soya. Nhưng việc định giá thành sản phẩm quá cao, tăng trưởng nóng, lựa chọn sai đối tượng và năng lực quản trị không đủ đã dẫn đến thất bại của mô hình này.
Chiến lược đại dương xanh đang được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng để khởi nghiệp hiện nay. Có nhiều tiềm năng và cơ hội rộng mở, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Chủ doanh nghiệp cần áp dụng chiến lược đại dương xanh một cách cẩn trọng bởi cơ hội luôn đi kèm với thách thức.
Bài viết liên quan: 10 bài học kinh doanh ý nghĩa từ bóng đá áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp
— Tác giả: Thảo Vy —
Pingback: Xây dựng trải nghiệm khách hàng thành chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp - Open End Garden
Pingback: Chiến lược Đại Dương Xanh – Cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam - Open End Garden